TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Tộc người » NHẬN DIỆN SỰ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG  CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ

NHẬN DIỆN SỰ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG  CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ

00:48 | 25/04/2023

NHẬN DIỆN SỰ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM

VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ

 

  1. MA NGỌC DUNG

                                                                                              Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

 

Văn hóa truyền thống là một di sản quý báu của mỗi dân tộc. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta phải coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vì “văn hóa là mục tiêu và động lực để xây dựng, phát triển bền vững…”. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đáng tiếc là hiện nay, cùng với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, xã hội thì các giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta bị mai một và biến đổi một cách nhanh chóng. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng, phát triển bền vững của đất nước.

Dưới góc độ nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống, chúng tôi xin tổng hợp, khái quát một phần nhỏ kết quả nghiên cứu từ các công trình của mình trước đó, nêu ra những yếu tố biến đổi văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên 4 lĩnh vực cơ bản, đó là: Ăn, mặc, ở và ngôn ngữ. Thông qua đó, góp tiếng nói của mình vào bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Nhận diện về những biến đổi văn hóa truyền thống

Biến đổi trong lĩnh vực ăn uống:

Ăn uống là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của mỗi tộc người. Người ta thường nói “Ăn rồi mới đến mặc, ở…” để nói lên tầm quan trọng của văn hóa ăn, uống. Vì thế, chúng tôi lấy việc biến đổi cái “ăn” để bắt đầu cho những vấn đề biến đổi văn hóa trong các tộc người thiểu số.

Trước hết là biến đổi về nguồn lương thực, thực phẩm. Do sự khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên thiên nhiên của con người đã làm thay đổi môi trường. Nguồn lương thực, thực phẩm truyền thống giảm, nhất là từ nguồn săn bắt hái lượm. Một số loại thực vật làm thực phẩm dần biến mất. Bên cạnh đó, sự tác động của khoa học kỹ thuật làm biến đổi nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi. Các sản phẩm từ mua bán, trao đổi cũng tạo thêm cho sự biến đổi nguồn lương thực, thực phẩm.

Về cách thức chế biến và dụng cụ chế biến thức ăn: Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, đồng bào các dân tộc đã trang bị cho bếp ăn của mình nhiều dụng cụ nấu ăn, dụng cụ chế biến mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn trong công việc bếp núc. Từ các dụng cụ tự làm bằng các loại nguyên vật liệu sẵn có, nay đã thay đổi bằng các đồ chế biến do công nghiệp chế tạo hiện đại, kể cả chất đốt. Từ đó dẫn tới sự thay đổi cả cách chế biến thức ăn.

Về món ăn: Mặc dù nhiều nơi vẫn duy trì được nhiều món ăn riêng biệt, độc đáo của mỗi vùng, mỗi dân tộc, nhưng đã xuất hiện nhiều món ăn mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bữa ăn. Sự phong phú, đa dạng của các món ăn chính là sự đan xen và là sản phẩm tổng hợp nhiều loại nguyên liệu. Sở thích và khẩu vị các món ăn không còn là điểm chung của mọi người mà được phân chia thành nhiều nhóm khác nhau, do điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Cư dân ở thành thị khác với cư dân nông thôn… Các loại thức ăn có mùi vị đa dạng, là sản phẩm của các ngành công nghiệp thực phẩm, trở thành những món ăn hàng ngày, đã đem lại những khẩu vị mới cho người cao tuổi.

Về tục ăn trầu và hút thuốc: Trước đây phụ nữ Việt Nam có tục nhuộm răng ăn trầu, ngày nay tục này rất ít, chỉ còn lại ở phụ nữ cao tuổi ở nông thôn và miền núi hoặc dùng trầu cau trong cưới xin hay trong lễ hội. Tục hút thuốc của đàn ông cũng có những biến đổi nhất định như nguyên liệu, cách thức.

Về ứng xử xã hội trong ăn uống: Cách ứng xử trong bữa ăn hàng ngày trong mỗi gia đình hay nơi công cộng đã thay đổi nhiều. Trước đây, hầu hết lối sống và quan niệm đạo đức về ăn uống bị ảnh hưởng bởi lễ giáo phong kiến mà nền tảng là Nho giáo, kính trên, nhường dưới theo thứ bậc, thể hiện đạo đức lối sống gia đình và xã hội. Ngày nay, những khuôn phép, lề thói, cách đối xử trước đây đã không còn duy trì mà thay vào đó là biểu hiện của sự bình đẳng.

Những biến đổi về trang phục:

Mặc là một yếu tố văn hóa đặc thù. Trong văn hóa mặc, ngoài các yếu tố chung là đồ che thân, làm ấm cơ thể thì cái riêng của trang phục mang tính xã hội và tính thẩm mĩ, đậm bản sắc tộc người. Sự biến đổi cái mặc diễn ra không mạnh và nhanh như văn hóa ăn uống nhưng thực tế cũng có sự tiếp biến, giao thoa rất lớn.

Về nguyên liệu làm ra trang phục. Trước đây, để có vải mặc, đa phần do đồng bào tự trồng bông, lanh để dệt hoặc khai thác vỏ cây để làm áo, làm chăn đắp. Ngày nay, loại nguyên liệu truyền thống đó vẫn được đồng bào sử dụng một phần, còn lại chủ yếu là mua bán, trao đổi lấy sợi bông công nghiệp để dệt. Kết quả là, sau khi dệt, mặc dù vẫn kỹ thuật dệt thủ công, công cụ truyền thống, khổ vải vẫn như cũ, các mô típ hoa văn vẫn mang hình dạng ấy nhưng chất lượng vải được thay đổi rõ rệt, mặt vải mỏng, mịn, ít lỗi; màu sắc hoa văn nổi bật rực rỡ.

Về màu sắc và trang trí hoa văn. Trước đây, các loại vải mặc do đồng bào tự chế biến có màu sắc chủ đạo là đen, đỏ, vàng, trắng. Ngày nay, màu sắc hoa văn trên vải và trên trang phục của họ đã rực rỡ hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn. Đó là nhờ sự cải tiến kỹ thuật nhuộm, nguyên liệu nhuộm và cả cách thức trang trí hoa văn nữa. Họa tiết trang trí hoa văn mới xuất hiện, tiếp thu thêm một số cách thức trang trí hoa văn mới như thêu, ghép vải, viền vải trên mép. Đó là những biến đổi quan trọng, thể hiện quan niệm mới, cách nhìn mới về thế giới quan và nhất là tạo nên kỹ thuật mới trong nghề dệt vải thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung. Về kỹ thuật cắt may, thay vì việc cắt may bằng tay, nay họ chuyển sang may bằng máy, thậm chí cắt may hàng loạt theo số đo sẵn.

Về cách sử dụng trang phục. Xưa kia trang phục truyền thống được đồng bào sử dụng thường xuyên, sau đó thưa dần. Trang phục truyền thống hầu hết được cất giữ trong rương, hòm, chỉ sử dụng vào các dịp lễ hội hay trong cưới xin, lễ nghi hay trong ngày hội diễn. Một bộ phận người cao tuổi còn duy trì việc mặc trang phục truyền thống nhưng đã biến đổi nhiều về chất liệu, chỉ còn giữ một phần kiểu dáng. Thường ngày họ ăn mặc theo phổ thông (áo sơ mi, quần Âu đồng bộ).

Ngày nay, xu hướng biến đổi trang phục các tộc người thiểu số là:

Đối với trẻ em ở các vùng miền núi, nông thôn chuyển sang mặc trang phục Âu, trừ một số dân tộc, trẻ nhỏ ở địa phương vẫn giữ được nét truyền thống.

Đối với lứa tuổi thanh niên, mức độ biến đổi trang phục ở hầu hết các tộc người đều thay đổi căn bản, do được đi học, được tiếp thu cách thức ăn mặc mới. Người ta chủ yếu mặc Âu phục, chỉ có một số ít học sinh, sinh viên còn giữ được trang phục truyền thống để sử dụng trong các dịp lễ hay sự kiện.

Đối với lớp người trưởng thành ở vùng nông thôn hay viên chức cũng có một bộ phận muốn quay trở về tìm bản sắc của mình nên bắt đầu có xu hướng ăn mặc theo truyền thống. Họ tìm mua hoặc làm một vài bộ trang phục dân tộc để mặc khi có lễ hội hay gặp mặt những người cao tuổi.

Đối với những người thuộc lớp cao tuổi, trong tâm thức của họ muốn trở về với cội nguồn, muốn khẳng định các giá trị văn hóa của dân tộc nên nhiều người đã cắt may hoặc mua sắm nhiều trang phục truyền thống. Cũng có người ít mặc thường ngày nhưng hầu hết họ đều mua hoặc làm cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp để mặc trong các dịp lễ hội, hoặc các nghi thức truyền thống dân tộc. Đặc biệt là họ có ý thức mặc trang phục truyền thống khi chết để sang thế giới bên kia được hòa nhập cùng tổ tiên.

Qua khảo sát cho thấy, sự thay đổi trang phục theo lứa tuổi tăng lên từ trẻ em đến trưởng thành, sau đó lại giảm dần về lứa tuổi già. Điều đó chứng tỏ yếu tố tâm lý chung trong một chu kỳ đời người đều muốn trở về với chính mình. Tuy nhiên những cố gắng đó cũng chỉ đạt được ở mức độ nhất định, thậm chí ở mức độ thấp và xu hướng giảm dần cho đến khi biến đổi hẳn sang hình thức khác. Đối với phụ nữ thì mức độ biến đổi có phần ít hơn nam giới. Nhìn chung, xu hướng ăn mặc của các tộc người thiểu số hiện nay là Âu hóa. Đây là xu hướng chung, bởi trong quá trình hội nhập, nền văn hoá phương Tây đang thâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào nước ta.

Những biến đổi về nhà ở:

Nhà ở là một phương tiện phục vụ đời sống của con người. Nó có chức năng là nơi trú ngụ, che nắng mưa, là nơi sinh hoạt của nhóm người cùng huyết thống (gia đình). Nhà là một loại tài sản của mỗi tập thể gia đình sống trong đó, nhưng nó mang đậm yếu tố văn hóa tộc người. Và cũng như các yếu tố văn hóa khác, trải qua quá trình lịch sử lâu dài, nhà ở cũng ngày càng biến đổi.

Nhà ở cổ truyền của các tộc người thiểu số ban đầu là loại nhà đơn sơ, chỉ có một chức năng che nắng, che mưa, bảo vệ con người. Qua quá trình cải tiến lâu dài và quá trình tiếp thu ảnh hưởng từ bên ngoài, ngôi nhà truyền thống đã chuyển đổi sang rất nhiều loại nhà khác nhau, tùy theo đặc điểm mỗi tộc người và ở từng địa phương khác nhau.

Trước hết, đó là biến đổi về cấu trúc ngôi nhà, mà nổi bật là biến đổi bộ vì kèo, từ loại đơn sơ chuyển dần sang loại nhà có cấu trúc phức tạp; từ các cấu trúc mặt bằng sinh hoạt nhỏ hẹp chuyển sang phân chia mặt bằng sinh hoạt thoáng rộng hơn; từ vấn đề ngôi nhà chỉ là nơi trú ngụ về đêm đến vấn đề ngôi nhà trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng. Cứ như thế, ngôi nhà từ đơn sơ, với chức năng hạn hẹp dần trở thành công trình kiến trúc, đa chức năng, từ tạm bợ đến ngôi nhà mang giá trị nghệ thuật...

Thứ hai là thay đổi về nguyên vật liệu làm nhà. Trừ các loại “nhà” ở từ thời hoang sơ, thì ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc trước đây hầu hết đều được làm từ tranh, tre, nứa, lá, gỗ. Qua quá trình sinh sống, do việc chặt phá rừng làm cho nguồn nguyên liệu tự nhiên cạn dần, buộc họ chuyển sang sử dụng các loại nguyên liệu khác. Ngày nay, vật liệu công nghiệp đã dần thay thế nguyên vật liệu truyền thống như gạch, ngói, tấm lợp… được nhập hoặc sản xuất tại chỗ, cung cấp cho việc làm nhà vừa tốt lại rẻ hơn và khai thác vận chuyển thuận tiện hơn.

Xu hướng biến đổi ngôi nhà mới khiến chúng ta không nhận thức được tiến trình của nó, chẳng hạn người ta lập tức chuyển từ loại hình nhà cổ truyền sang nhà xây theo kiến trúc phương Tây; chuyển từ nhà sàn sang nhà đất, chuyển từ cấu trúc sinh hoạt truyền thống sang cấu trúc thông thường… Trên thực tế hiện nay đã xảy ra rất nhiều hiện tượng này, nhất là ở những địa phương chuyển đổi từ nông thôn thành thị trấn, thị tứ hay nơi có đường giao thông đi qua, nơi có quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp… Một hiện tượng thường thấy ở những nơi này là việc tháo dỡ nhà sàn, rao bán nhà sàn để lấy tiền xây nhà ngói, nhà gác. Những ngôi nhà đó được chuyển từ miền núi về đồng bằng, từ nông thôn về thành thị, từ đồng bào dân tộc thiểu số sang người Kinh với nhiều mục đích khác nhau như làm dịch vụ ăn uống theo phong cách miền núi để mời chào khách hiếu kỳ hoặc người có thú chơi đồ “cổ” mua về lưu giữ, cũng có một vài tổ chức hay cá nhân thu gom về xây dựng khu bảo tồn riêng… Dù là mục đích gì, dù không bảo lưu được giá trị đích thực của nó nhưng đây còn là điều may mắn vì nhà sàn vẫn có cơ hội để tồn tại.

Biến đổi về ngôn ngữ:

Tiếng nói của các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong giao tiếp hàng ngày của cộng đồng ở các địa phương, nhất là những vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Ở các vùng thấp, vùng cận thành thị, sự giao lưu nhiều tộc người và sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội đã làm cho những nhóm dân tộc thiểu số ở đây từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Thực tế cho thấy, ở các địa phương này, ngoài sự tiếp thu các loại văn hóa khác thì việc tiếp thu ngôn ngữ phổ thông ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Các thế hệ trẻ hàng ngày được học tập bằng tiếng Việt, được nghe, nhìn và thưởng thức văn hóa nghệ thuật cũng bằng tiêng Việt. Trong đời sống hàng ngày, ngôn ngữ phổ thông đã chiếm qua nửa với tư cách là phương tiện giao tiếp. Trong giao tiếp với các thành viên trong gia đình, người ta cũng chuyển dần sang tiếng Việt. Một số bộ phận thanh thiếu niên, sau khi đi học tập hay đi công tác trở về nhà không muốn nói tiếng mẹ đẻ vì cảm thấy ngượng nghịu, có thể là do ít sử dụng nên vốn tiếng mẹ đẻ bị mai một, cũng có thể dùng tiếng Việt để diễn đạt ý của mình phong phú hơn.

Một hiện trạng khác, đó là sự biến hóa, cách tân tiếng mẹ đẻ. Các thứ tiếng nói khác nhau được hòa trộn với nhau, sinh ra nhiều từ lóng hoặc vay mượn từ tiếng Việt, thậm chí cả tiếng nước ngoài, làm thay đổi về từ vựng.

Ở khu vực thành thị, sự biến đổi ngôn ngữ diễn ra theo một chiều. Hầu hết những người di cư ra thành thị đều bỏ luôn tiếng nói mẹ đẻ, tạo nên một lớp người mới, về cơ bản vẫn mang những nét tộc người gốc, nhưng về hình thức, về văn hoá tinh thần và ngôn ngữ đều thay đổi. Những người như vậy khó có thể xác định đúng thành phần dân tộc hiện nay cũng như trong tương lai.

Theo nhận định của các nhà khoa học thì ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cũng như một số yếu tố văn hóa tinh thần khác sẽ được bảo tồn khá lâu dài, nhất là ở những vùng có số lượng dân tộc chiếm số đông. Một số dân tộc có bề dày văn hóa và ý thức tộc người mạnh mẽ sẽ còn bảo lưu tiếng mẹ đẻ rất lâu dài. Tuy nhiên, chuyển hóa ngôn ngữ là không thể tránh khỏi, mặc dù sự chuyển hóa ở mỗi tộc người, mỗi địa phương có sự khác nhau về lượng và chất. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyển hóa ngôn ngữ như quá trình giao lưu hội nhập, sự phát triển của ngành giáo dục, sự tác động của khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế.

Nhận định về nguyên nhân của những biến đổi

- Tác động của một số chính sách. Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng việc phát triển miền núi, thực hiện chính sách bình đẳng về mọi mặt kể cả về kinh tế, chính trị, đảm bảo công bằng trong thu nhập của người dân, từng bước rút ngắn sự chênh lệch khoảng cách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đã tác động đến mọi mặt đời sống của các cư dân miền núi, trong đó, những yếu tố văn hóa cổ truyền cũng chịu ảnh hưởng nhất định.

- Tác động của điều kiện tự nhiên: Do quá trình khai thác nguồn tài nguyên, con người đã làm biến đổi thiên nhiên. Những biến đổi của thiên nhiên đã làm cho đời sống của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó sinh hoạt ăn uống cũng biến đổi. Riêng sự hủy hoại hoại môi trường tự nhiên, rừng, nguồn nước… là nguy cơ quan trọng hàng đầu, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào ở miền núi.

- Sự phát triển kinh tế và giao lưu kinh tế, thương mại là yếu tố rất quan trọng tạo nên sự biến đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, các yếu tố văn hóa cổ truyền chịu ảnh hưởng mạnh mẽ.

- Sự giao lưu, hội nhập và phát triển về xã hội - văn hóa: Tình trạng dân di cư từ các vùng khác đến đem theo những phong tục, tập quán khác cũng đã tạo nên sự xáo trộn, sự hòa nhập về văn hóa - xã hội.

- Những thành tựu giáo dục, y tế ngày càng nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, loại bỏ được những tập quán lạc hậu, tiếp thu lối sống mới.

- Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Thông qua cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã nâng cao ý thức, nếp sống văn hóa.

Đánh giá khách quan về những biến đổi văn hóa truyền thống

Trong xu hướng vận động của xã hội, mọi mặt đời sống của con người cũng đều có sự thay đổi phát triển đi lên. Mọi biểu hiện về sự biến đổi đời sống xã hội đều có những nguyên nhân khác nhau như nguyên nhân chủ quan (do tự thân vận động), nguyên nhân khách quan (do tác động từ bên ngoài). Trong đó, đặc biệt là tác động của cơ chế kinh tế làm cho quá trình biến đổi đời sống xã hội thêm nhanh chóng. Chính điều đó khiến chúng ta không khỏi băn khoăn bởi những gì xảy ra thật đáng mừng nhưng cũng có những điều xảy ra thật đáng lo ngại. Điều đáng mừng là sự phát triển tiến bộ của đời sống xã hội làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao, còn điều đáng lo ngại là sự biến đổi của nền văn hoá cổ truyền.

Từ thực tiễn đó, chúng ta cần có cái nhìn, đánh giá một cách khách quan, đúng mực mới có thể xử lý thực sự hài hòa nhằm phục vụ thiết thực vào quá trình xây dựng, phát triển bền vững.

Sự biến đổi về đời sống vật chất, tinh thần và xã hội là điều tất yếu, bởi đó là quy luật phát triển của lịch sử, không ai có thể làm đảo ngược được. Không chỉ riêng gì về đời sống vật chất mà cả các yếu tố tư duy, nhận thức thậm chí cả vấn đề tín ngưỡng cũng có sự đổi thay. Đó là kết quả của lao động sáng tạo, là kết quả của tri thức con người, quá trình vận động tự hoàn thiện của mình. Suy cho cùng là kết quả của sự vận động của tự nhiên. Vì thế, sự biến đổi văn hóa cổ truyền nói chung là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm chậm lại sự biến đổi của một số yếu tố văn hóa cổ truyền, trên cơ sở không gây ảnh hưởng nhiều đến tiến trình biến đổi tích cực về mặt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Mục đích của việc làm chậm lại quá trình biến đổi ấy là nhằm giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, tạo ra sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Đó là nhiệm vụ chung của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên ngành và của toàn xã hội.

Mục đích của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là gìn giữ những tinh hoa văn hóa, coi đó là nguồn tài sản thiêng liêng của dân tộc, là công cụ giáo dục có hiệu quả về tinh thần yêu quê hương đất nước, thương nòi, yêu dân tộc, lòng tự hào về văn hoá dân tộc. Mục tiêu cuối cùng là làm cho các dân tộc Việt Nam bình đẳng, phát triển bền vững, trên một nền tảng văn hóa mang sắc thái riêng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII): “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc

Theo chúng tôi, để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nói chung, có hai nhóm giải pháp là giải pháp pháp lý và giải pháp chuyên môn.

* Về giải pháp pháp lý:

Đó là hệ thống pháp luật của Nhà nước bằng văn bản có tính định hướng, chỉ đạo và các giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn giá trị các di sản văn hóa, như: Hiến pháp; Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới luật có liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa. Đó là cơ sở để các nhà khoa học, các nhà quản lý chuyên ngành thực hiện những giải pháp cụ thể của mình…

* Về giải pháp chuyên môn:

Do các nhà khoa học, lãnh đạo chính quyền địa phương, các nhà quản lý văn hóa cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước về việc quản lý và bảo tồn di sản văn hóa. Có thể thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

- Bảo tồn trong cộng đồng chủ thể: Quần chúng nhân dân luôn là chủ thể văn hóa của mình, là người sáng tạo ra văn hóa và hưởng thụ chính những nét văn hóa do mình sáng tạo nên. Vì vậy, quần chúng nhân dân luôn có ý thức trân trọng văn hóa của mình, luôn có ý thức gìn giữ và muốn truyền lại cho muôn đời con cháu của họ. Tuy nhiên, theo quy luật phát triển chung, mọi giá trị vật chất và tinh thần không phải là thứ bất biến, do đó, việc cải tiến, đổi mới văn hóa truyền thống trên cơ sở tiếp thu những cái mới là điều tất yếu xảy ra. Việc bảo tồn lâu dài các yếu tố văn hóa truyền thống tất nhiên cũng chỉ có thể thực hiện được trong một thời gian nhất định nào đó; nếu làm tốt công tác bảo tồn thì nó sẽ kéo dài hơn mà thôi. Hiện nay, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung đang diễn biến nhiều xu hướng khác nhau. Có những tộc người thiểu số đang có nguy cơ biến mất bản sắc văn hóa, cũng có những tộc người lại đang phục hồi văn hóa truyền thống rất rõ nét. Đặc biệt, có những tộc người còn bảo tồn văn hóa của mình một cách vững vàng trước rất nhiều luồng văn hóa từ bên ngoài. Nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường và cơ chế mở cửa hiện nay, trước những luồng văn hóa mới từ bên ngoài tràn vào càng thể hiện rõ sức mạnh của mỗi nền văn hóa: Cái nào mạnh hơn sẽ tồn tại và cái nào yếu ớt sẽ bị xóa bỏ.

Từ đó, chúng ta coi việc bảo tồn văn hóa truyền thống trong cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Có thể có những hình thức cụ thể như sau:

Thứ nhất, công tác giáo dục, tuyên truyền người dân nhận thức được việc bảo tồn văn hóa dân tộc nói chung; làm cho đồng bào nhận thức đúng những gì cần bảo tồn, những gì cần loại bỏ. Vấn đề ở đây là tuyên truyền như thế nào? Bằng hình thức nào? Chúng ta có thể thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các hoạt động hay các chương trình văn hoá văn nghệ. Có thể tổ chức các tổ văn hoá, các nhóm tình nguyện trong chính những người dân để tự tuyên truyền, hoặc chính các thành viên trong đội văn nghệ ở địa phương. Họ là những hạt nhân tiên phong trong việc sử dụng các loại đồ dùng, các loại trang phục của dân tộc... Mặt khác, cần có biện pháp lồng ghép với việc giáo dục học đường, có thể đưa chương trình giáo dục văn hoá truyền thống vào dạy học trong các trường tiểu học hay trung học cơ sở. Chính việc giáo dục các em ngay từ khi còn nhỏ, từ khi mới giao lưu tiếp xúc với văn hoá bên ngoài thì vấn đề tôn vinh nền văn hoá truyền thống của mình có tác dụng như việc trang bị vũ khí tinh thần để bảo vệ nó.

Đảng và Nhà nước cần có chính sách giáo dục mang tầm vĩ mô đối với các đối tượng khác nhau. Không chỉ là giáo dục trong chính mỗi dân tộc mà cần phải giáo dục đồng đều về văn hóa các tộc người cho mọi đối tượng. Trên cơ sở đó, các dân tộc sẽ hiểu biết nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, thông cảm với nhau hơn và cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo tồn nền văn hóa chung của cả nước. Muốn như vậy, cần tăng cường giáo dục trong các trường học ở cấp cao hơn như trong các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; cần đưa các chương trình vào giảng dạy bắt buộc, có chứng chỉ các môn như văn hóa học, dân tộc học…

Thứ hai, bằng chính sách và việc làm thực tế, ở mỗi địa phương, tùy theo điều kiện mà có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa gắn liền với việc phô trương trang phục truyền thống, âm nhạc truyền thống... Hiện nay, Đảng và Nhà nước chủ trương khôi phục các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, trong đó, đặc biệt khuyến khích các loại hình văn nghệ dân gian. Trong những năm qua, nhiều địa phương, chính quyền, cùng với các cơ quan chức năng như ngành văn hoá đã phối hợp với các đoàn thể xây dựng được những chương trình, dự án khôi phục văn hóa truyền thống, kể cả văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Theo đó, nhiều hoạt động văn nghệ dân gian được lồng ghép với các hoạt động lễ hội truyền thống ở địa phương. Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, việc UNESCO đã công nhận hoạt động văn hóa cồng chiêng là một di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã tiếp thêm sức mạnh cho việc khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian cũng như các yếu tố văn hoá vật chất, gắn liền với hoạt động cồng chiêng. Ở vùng ven biển miền Trung và ở đồng bằng Nam Bộ, các hoạt động văn hóa dân gian thông qua các hoạt động tín ngưỡng của người Chăm từ xưa vẫn được duy trì đều đặn. Với chủ trương của Đảng về bảo tồn di sản văn hóa, đồng bào càng ý thức được giá trị văn hoá truyền thống, càng biết trân trọng, giữ gìn các giá trị ấy. Điều đó được thể hiện qua các hoạt động như lễ hội Katê, lễ hội Ramadam…

Thứ ba, vận động bà con tiếp tục tổ chức các hoạt động sản xuất ra các loại đồ dùng truyền thống tiêu biểu dưới hình thức gia đình hoặc nhóm sản xuất. Tuy nhiên, việc sản xuất ra các sản phẩm ấy phải gắn liền với việc tiêu thụ. Như vậy, có thể gắn việc sản xuất với việc thương mại hóa và gắn với việc sử dụng trong cộng đồng. Trên thực tế, hiện nay ở nhiều nơi, các hoạt động sản xuất hàng hóa mang tính chất lưu niệm với các loại hình mẫu của đồ dùng hay trang phục dân tộc thiểu số được thực hiện ở nhiều địa điểm du lịch. Chẳng hạn như ở Sa Pa, chúng ta có thể mua bất cứ loại hàng lưu niệm có hình thức tương tự như các đồ dùng của người Hmông, Dao, Phù Lá, Xá Phó… được chính tay chị em các dân tộc làm ra và tự đem đi bán lẻ. Ở các địa điểm du lịch khác như Hòa Bình, Điện Biên đến Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum… cũng có những dịch vụ như vậy. Các sản phẩm như y phục, trang sức, mũ nón, vải vóc, gùi, nỏ, đàn, sáo, bầu khô, đến các đồ ăn, thức uống, bánh trái, rượu, thuốc chữa bệnh… bày bán la liệt. Những người đi du lịch là đối tượng chủ yếu tham gia quá trình mua bán. Tuy mục đích của mỗi người có khác nhau, nhưng điều đó cũng đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nếu cứ dựa vào các hoạt động thương mại ấy để bảo tồn văn hóa truyền thống sẽ phiến diện và không bảo đảm tính chân thực của các giá trị văn hóa. Nó phiến diện ở chỗ không thể hiện đầy đủ bản sắc đặc trưng về văn hoá; có những cái cần bảo tồn cũng không được thực hiện, có những cái đáng ra không cần thiết thì lại được làm… Nó không bảo đảm tính chân thực ở chỗ nhiều loại sản phẩm bị cách điệu hóa, xa với thực tế hoặc bị biến dạng, phóng to, thu nhỏ, thêm thắt các chất liệu khác, các chi tiết khác cho đẹp hơn. Mặt khác, có những sản phẩm mà người ta không biết của dân tộc nào bởi chúng được tổng hợp từ nhiều mẫu loại của nhiều dân tộc. Nguyên do là những người chủ trương làm ra nó là các nhà doanh nghiệp, các thương gia đặt người dân làm theo ý của họ nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu khám phá cái lạ, cái ngộ nghĩnh của khách du lịch.

Vấn đề đặt ra đối với chúng ta là, vừa biết phát huy cái tích cực của hoạt động thương mại hóa trên lĩnh vực văn hoá truyền thống, vừa định hướng cho các hoạt động ấy đi đúng chủ trương bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đích thực. Đây là việc làm khó và phức tạp, bởi lẽ, đối với các nhà kinh doanh, người ta chỉ chú ý đến việc bán được sản phẩm hay không chứ không phải là nó có đúng với nguyên bản hay không. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết phối hợp giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh văn hoá thì ắt tình trạng nhại hay sáng tác các sản phẩm văn hóa sẽ giảm đi nhiều.

- Công tác nghiên cứu cũng là một trong những hoạt động thiết thực cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nó vừa mang tính lý luận vừa mang giá trị thực tiễn, bảo tồn văn hoá dưới dạng thành văn hay dưới dạng lý luận nghiên cứu, khám phá. Công tác nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa có nhiều dạng thức khác nhau: Nghiên cứu toàn diện, tổng thể, nghiên cứu chuyên đề theo chiều sâu về những vấn đề bức thiết hay những vấn đề mà chủ thể quan tâm; nghiên cứu theo dạng miêu thuật cung cấp thông tin từ thực tiễn; sưu tầm các bài dân ca dân vũ, các câu chuyện kể… từ đó tiến hành nghiên cứu, phân loại và tổng hợp, rút ra những quy luật phát triển của các loại hình văn hoá truyền thống đó, định ra hướng phát triển và bảo tồn cho mỗi loại hình văn hóa.

Trong nhiều năm qua, ở nước ta, nhiều công trình nghiên cứu hay sưu tầm, miêu thuật về văn hóa truyền thống các tộc người đã được công bố làm cho quần chúng nhân dân hiểu biết hơn về các giá trị văn hóa của cha ông, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự phát triển và bình đẳng giữa các dân tộc. Việc nghiên cứu văn hoá hay nghiên cứu lịch sử tộc người cần được phối hợp chặt chẽ và linh hoạt giữa các ngành, các chuyên ngành khoa học và bảo đảm tính khoa học, chân thực và khách quan, bình đẳng. Trong nhiều năm trước đây, việc nghiên cứu văn hóa dân tộc được một số cơ quan khoa học Việt Nam thực hiện như Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hoá thông tin và một số trường đại học thuộc khoa học xã hội nhân văn… đã nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá văn hóa của 54 tộc người ở Việt Nam, đóng góp đáng kể vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trước những quan điểm khoa học về dân tộc học truyền thống chi phối nên một phần đã ảnh hưởng đến chất lượng các công trình. Trong thời gian gần đây, ngành văn hóa học và chuyên ngành nhân học văn hóa đã có những bước chuyển biến rất quan trọng về nhận thức trong công tác nghiên cứu về con người, làm cho việc nghiên cứu văn hóa và con người được đi theo nhiều chiều, đa dạng hoá trong nghiên cứu, đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống tộc người một cách khách quan, trung thực. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hoá ở nước ta cũng được cải tiến một bước, tổ chức hội bảo tồn di sản văn hoá ra đời; các cơ quan chuyên ngành đi vào nghiên cứu thực chất hơn; nhiều loại hình di sản văn hoá nói chung, di sản văn hoá vật chất, phi vật chất và trang phục nói riêng của đồng bào các dân tộc đã được nhiều nơi biết đến; nhiều người đã ý thức tốt hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn di sản văn hoá. Hy vọng rằng trong những năm tiếp theo, công tác nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa các tộc người được đẩy mạnh hơn, đem lại hiệu quả thiết thực hơn.

- Công tác sưu tầm, tài liệu hóa khoa học và bảo quản hiện vật bảo tàng cũng là một trong những hình thức nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa. Đó là công việc của các nhà bảo tàng học và của các các nhà nghiên cứu thuộc các hội, các viện… Thông thường trước đây, người ta quan niệm có hai loại hình nghiên cứu là nghiên cứu lý thuyết với sản phẩm là các bài viết, các công trình khoa học dạng thành văn và loại nghiên cứu sưu tầm vật thể đưa di sản văn hóa về các bảo tàng để phục vụ công chúng hoặc phục vụ công tác nghiên cứu tiếp theo. Ngày nay, công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc được phối hợp giữa các hình thức với nhau, vừa nghiên cứu các hiện tượng, sự vật, sự kiện để tạo ra các công trình khoa học dưới dạng thành văn, vừa tiến hành sưu tầm các hiện vật di sản văn hoá dưới dạng vật thể và phi vật thể. Đến nay nhiều sưu tập hiện vật đã được xây dựng trong các bảo tàng và các sưu tập nằm trong các nhà nghiên cứu, sưu tầm tư nhân.

Cần xác định đúng tính cấp thiết của công tác sưu tầm di sản văn hóa, bởi nếu lơi lỏng công tác này thì theo thời gian, các di sản văn hóa sẽ dần dần biến mất, đặc biệt là trong thời kỳ mở cửa, hội nhập hiện nay. Cần phải huy động các nguồn lực khác nhau trong vệc sưu tầm, thu thập các di sản văn hoá, cho dù các sưu tập hiện vật do ai quản lý, sở hữu.

- Xây dựng các trang web về văn hóa dân tộc, trong đó chú ý giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa truyền thống. Đây là một hình thức tuyên truyền, quảng bá mới, hiện đại, thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông đạt hiệu quả cao. Trên thế giới, đã có rất nhiều bảo tàng ứng dụng phương tiện này để quảng bá về mình. Thông qua các trang web, những nội dung cần chuyển tải và phổ biến được đưa lên mạng, giới thiệu như là một bảo tàng di động hay những cuốn sách, các tập cactalo, những bức ảnh, những bộ phim ngắn… có lời giới thiệu.

- Gắn hoạt động bảo tàng, di tích, danh thắng văn hóa với hoạt động du lịch và các loại hình dịch vụ văn hóa dân tộc. Đây là một hoạt động mang tính chất kinh doanh nhưng chúng ta có thể tận dụng nó như một hình thức tuyên truyền, quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa nói chung.

Riêng đối với công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số, là một loại văn hóa phi vật thể mang tính đặc thù, do vậy, trước hết phải xuất phát từ ý thức tự giác của mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân; phải coi tiếng mẹ đẻ là cội nguồn của mọi giao tiếp. Những ý thức, tâm nguyện của mỗi người trước hết được bộc bạch qua tiếng mẹ đẻ. Chúng ta phải trân trọng, gìn giữ ngôn ngữ thứ nhất của mình như một di sản trong chính mình.

Giáo dục ý thức bảo tồn ngôn ngữ, kết hợp với các chính sách lớn của Đảng và những giải pháp cụ thể của các địa phương là yếu tố vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ, giáo dục học đường là một công cụ rất có hiệu quả. Tuy nhiên, để đưa ngôn ngữ thiểu số vào giảng dạy thì phải có hệ thống, lâu dài và thường xuyên.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là một phương pháp tốt, bởi qua các phương tiện này, mọi người dân cảm thấy tiếng nói của mình được tôn trọng, được phổ biến như một công cụ chuyển tải hiệu quả. Từ đó dần dần nâng cao ý thức tự hào, ý thức bảo tồn tiếng nói của mình.

Ngoài ra, cần phải có những nhà xuất bản hay những tờ báo dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, bà con các dân tộc sẽ được trực tiếp nói tiếng nói của mình. Thông qua đó, Đảng và Nhà nước sẽ hiểu sâu sắc hơn tâm tư, nguyện vọng của bà con; các dân tộc khác nhau sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác hơn. Như thế, chắc hẳn, tiếng nói các dân tộc thiểu số sẽ được bình đẳng hơn, tồn tại lâu dài hơn trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

 

Tin cùng loại